Hỗ trợ trực tuyến
Hội KTS:
Cty Kiến Trúc:
Webmaster:
(+84) 63 3 821 379
NHỮNG BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ ĐÀ LẠT
Phần I: Xây dựng trái phép vẫn chưa hạ nhiệt
Bình quân hàng năm trên địa bàn thành phố Đà Lạt có hàng trăm vụ xây dựng sai phép, không phép. Đáng nói hơn tình trạng này không hề thuyên giảm mà đang có nguy cơ tăng, gây mất trật tự xây dựng trên địa bàn.
Hiện tại, công tác cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã được thực hiện theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”. Với quy trình cấp phép này tạo điều kiện thuận tiện cho người dân, nhà đầu tư trong việc đầu tư xây dựng, xin cấp phép xây dựng công trình dân dụng. Theo thống kê, hàng năm thành phố cấp gần ngàn giấy phép xây dựng với tỷ lệ đúng hạn đạt trên 95% số hồ sơ đủ điều kiện xét cấp. Năm 2010, Phòng Quản lý đô thị đã thẩm định trình UBND thành phố Đà Lạt cấp 1.068 giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ và cấp 23 giấy phép xây dựng công trình khác, trong đó vốn ngân sách nhà nước đầu tư 20 công trình, vốn ngoài ngân sách là 3 công trình. Với số lượng đơn xin cấp phép nhà ở riêng lẻ này, chỉ riêng nhà ở dân dụng tốc độ bê tông hóa trên bề mặt đô thị có tổng diện tích xây dựng gần 90.000 m2 với tổng diện tích sàn trên 207.000 m3. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2011 đến nay, thành phố đã cấp 689 giấy phép xây dựng trong số gần ngàn hồ sơ xin giấy phép, gia hạn giấy phép xây dựng, thẩm định dự toán, định vị vị trí lô đất... Nếu việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết cấp phép nhanh chóng với tỷ lệ đúng hạn cao thể hiện nỗ lực cải cách cấp phép xây dựng của thành phố đạt kết quả đáng khích lệ thì trong quản lý xây dựng theo giấy phép được cấp, ngăn chặn tình trạng xây dựng không phép trên thực địa còn nhiều việc để bàn. Qua kiểm tra, thanh tra trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng tại các xã, phường trong vòng hai năm trở lại đây, đã phát hiện 706 vụ xây dựng vi phạm trật tự xây dựng gồm: Xây dựng không phép 575 trường hợp và sai phép 131 trường hợp, trong đó nhà riêng lẻ là 698 vụ và các công trình khác 8 vụ. Theo Sở Xây dựng, kết quả thanh tra về quản lý xây dựng, các biện pháp xử lý đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng từ tháng 9 năm 2009 đến tháng 12 năm 2010 được Thanh tra Sở Xây dựng tiến hành thanh tra vừa kết thúc mới đây cho thấy: Số công trình vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian này là 539 vụ, trong đó hầu hết là xây dựng không phép chiếm 448 vụ, còn lại là các trường hợp xây dựng sai phép chiếm 91 vụ. Qua đó, các cơ quan, đơn vị kiểm tra lập biên bản ngừng thi công xây dựng 61 vụ, lập biên bản vi phạm hành chính và ngừng thi công xây dựng công trình 457 vụ. Các cấp quản lý thành phố đã ban hành 384 quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, ra quyết định cưỡng chế phá dỡ 101 công trình, xử phạt hành chính 190 vụ với số tiền gần 2 tỷ đồng. Điều đáng lưu ý là quá trình xử lý các trường hợp vi phạm theo quyết định xử phạt, buộc cưỡng chế của các cấp, ngành thành phố đạt tỷ lệ thấp, số tiền xử phạt mới thu được 20,9% tổng số phải thu, nhất là tỷ lệ các vụ chưa thực hiện cưỡng chế phá dỡ lên đến 79,1% số vụ mà các cấp, ngành thành phố đã ban hành quyết định cưỡng chế. Theo nhận xét của Thanh tra Sở Xây dựng, việc thiếu cương quyết trong xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Lạt diễn biến phức tạp, số vi phạm năm sau tăng hơn so với năm trước. Chỉ tính riêng năm 2010, tỷ lệ vi phạm chiếm 29,48% tổng số công trình xây dựng trên địa bàn được cấp phép, cao hơn thành phố Bảo Lộc 11,21%. Đặc biệt, một số địa bàn để xẩy ra tình trạng xây dựng trái phép có xu hướng tăng nhanh, gồm các phường 3, 4, 8 và phường 9. Riêng tại địa bàn bốn phường này có các trường hợp sai phạm chiếm tới 61% số công trình xây dựng trái phép toàn thành phố. Đáng chú ý hơn, mặc dù các cơ quan quản lý từ cấp phường đến thành phố đã kiểm tra phát hiện, ban hành các quyết định xử phạt, buộc tháo dỡ, nhưng hầu hết các công trình vi phạm vẫn “lọt” các “cửa” để hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Phần II: Quy hoạch, cấp phép xây dựng sai quy định
Phê duyệt đồ án khi chưa đủ hồ sơ
Căn cứ vào các văn bản quy định hiện hành, qua phân cấp quản lý, thẩm quyền của UBND thành phố Đà Lạt được phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 các khu chức năng trong thành phố và các khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 đã được duyệt. Còn đối với các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 tại các khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 được duyệt, UBND thành phố phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch sau khi đã được Sở Xây dựng xem xét, thỏa thuận bằng văn bản về mặt chuyên môn. Đồng thời thành phố chịu trách nhiệm cấp giấy phép xây dựng – kể cả giấy phép xây dựng tạm đối với nhà ở riêng lẻ và các công trình khác.
Thống kê sơ bộ, trong hai năm trở lại đây thành phố đã thẩm định và phê duyệt 14 đồ án nhiệm vụ quy hoạch, 20 đồ án quy hoạch để phục vụ công tác tái định cư, chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, qua thanh tra 13 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được thẩm định, phê duyệt nhằm phân lô phục vụ công tác tái định cư bộc lộ nhiều sai sót. Cụ thể, trong hồ sơ quy hoạch đã được thẩm định, phê duyệt còn thiếu các thành phần hồ sơ theo đúng trình tự quy định.
Trong 13 đồ án đã thẩm định, phê duyệt cho thấy: Có 2 đồ án thiếu bản đồ vị trí và giới hạn khu đất, 1 đồ án thiếu bản đồ quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật hay bản đồ tổng hợp đường dây, đường ống kỹ thuật (điều này đã từng xẩy ra đối với chung cư Phan Đình Phùng khi xây dựng xong, bố trí cho dân vào tái định cư nhưng không có điện, nước). Đáng nói hơn có tới 7 đồ án thiếu thiết kế đô thị, 12 đồ án thiếu điều lệ quản lý quy hoạch. Thiếu văn bản lấy ý kiến của nhân dân về nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch tại 3 đồ án nhưng vẫn được thẩm định, phê duyệt. Và mặc dù không đủ nội dung hay thiếu hồ sơ mô tả năng lực của đơn vị tư vấn và cá nhân tham gia lập quy hoạch vẫn được phê duyệt 2 đồ án…
Từ những sai sót trên, Thanh tra Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố Đà Lạt chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị, đơn vị chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu tư vấn lập đồ án quy hoạch bổ sung các nội dung còn thiếu theo đúng quy định.
Cấp phép sai quy định Bên cạnh việc thẩm định, phê duyệt các đồ án khi chưa đủ thủ tục dẫn đến nhiều thiếu sót, việc cấp phép xây dựng cũng tồn tại các trường hợp cấp phép sai quy định. Đó là các trường hợp do Phòng Quản lý đô thị tham mưu cho UBND thành phố cấp giấy phép xây dựng tạm sai quy định cho 7 trường hợp bao gồm: 1 trường hợp cải tạo nhà ở riêng lẻ trên nền hiện trạng vi phạm khoảng lùi nhưng không điều chỉnh vẫn được cấp phép và 5 trường hợp khác trong khu vực đất ở có quy hoạch xây dựng được duyệt trong khi việc cấp phép xây dựng tạm chỉ áp dụng đối với những khu đất đã có quy hoạch xây dựng được duyệt, đã được công bố nhưng chưa thực hiện.
Đặc biệt, Phòng Quản lý đô thị đã cấp phép xây dựng cho 35 trường hợp nhà ở riêng lẻ, kiểu kiến trúc biệt lập vượt số tầng theo quy định. Trong đó 32 trường hợp cấp vượt 1 tầng hầm, 3 trường hợp vượt 2 tầng hầm không đúng với Quy định số 33 của UBND tỉnh ban hành năm 2003 về việc “Quy định các chỉ tiêu chủ yếu về quản lý quy hoạch và xây dựng đối với nhà ở tư nhân trên địa bàn thành phố Đà Lạt”.
Phần 3: Bất cập trong quản lý xây dựng đô thị Đà Lạt: Điểm danh những vi phạm
LÀM NGƠ VI PHẠM?
Theo quy định, Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Đồng thời phải tổ chức kiểm tra, kịp thời xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền được giao. Nhưng tại các phường có tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng cao khi xử lý các trường hợp vi phạm đã không thực hiện theo đúng thủ tục quy định. Theo kết luận thanh tra của Sở Xây dựng, ít nhất có đến 9 vi phạm được cho là điển hình ở các phường này. Qua thanh tra, có 61 vụ khi xử lý sử dụng sai mẫu biên bản vi phạm hành chính không đúng quy định, nổi bật nhất là phường 9 với 19 vụ. Việc đình chỉ thi công ngay từ khi phát hiện các trường hợp vi phạm nhằm hạn chế lãng phí khi công trình bị buộc phá dỡ, thế nhưng có tới 142 trường hợp vi phạm không được các phường kịp thời ban hành quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm, điển hình là phường 8 với 21 vụ, phường 9 là 19 vụ. Theo quy định của UBND tỉnh, quy định trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị có liên quan trong việc xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố, song một số phường không gửi các quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình đến các đơn vị cấp điện, nước, công an phường để phối hợp xử lý vi phạm. Cụ thể chỉ riêng phường 8 đã có 109 vụ, phường 9 có 47 vụ. Các phường 3, 4, 8 và phường 9 chưa ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng với số lượng lên tới 252 vụ vi phạm. Việc buông lỏng quản lý, xử lý thiếu cương quyết – nếu không muốn nói là làm ngơ như: Đề xuất xử phạt hành chính chậm thời hiệu theo quy định; khi kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm có lập biên bản vi phạm hành chính và ngưng thi công xây dựng công trình nhưng không chuyển hồ sơ đề xuất người có thẩm quyền xử phạt chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng với số vụ là 206 vụ; chưa chỉ đạo tổ chức cưỡng chế công trình 73 công trình…Ngoài ra, UBND một số phường không kịp thời chỉ đạo, yêu cầu tổ chức kiểm tra, xử lý công trình vi phạm hay ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền theo quy định.
THAM MƯU TRÁI QUY ĐỊNH
Không chỉ cấp xã, phường mà ngay cả thanh tra chuyên ngành xây dựng cũng vi phạm các quy định. Mặc dù được giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; tổ chức kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng đối với các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng… theo quy định thành lập của UBND tỉnh, nhưng Thanh tra xây dựng Đà Lạt đã không chấp hành đúng, đủ các quy định thuộc chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao và Quy chế hoạt động của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ban hành. Đó là khi kiểm tra phát hiện vi phạm trật tự xây dựng, Đội Thanh tra xây dựng có lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không đề xuất Chủ tịch UBND thành phố xử phạt theo thẩm quyền đối với 20 trường hợp. Tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý công trình vi phạm trái quy định, đó là các trường hợp xây dựng không phép trên đất quy hoạch du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp thuộc diện phải phá dỡ nhưng lại đề xuất cho chủ đầu tư liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để xin cấp giấy phép xây dựng. Không chấp hành chỉ đạo xử lý công trình xây dựng sai phép của Thanh tra Sở Xây dựng để công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Đặc biệt, Đội Thanh tra xây dựng Đà Lạt đã không kịp thời, kiên quyết xử lý công trình vi phạm; báo cáo cấp trên xử lý trách nhiệm quản lý đối với các địa bàn có tình trạng buông lỏng quản lý, để tình trạng vi phạm kéo dài mà không có biện pháp xử lý, chấn chỉnh cán bộ thuộc quyền và UBND xã, phường, nhất là các phường có mức độ vi phạm tập trung, tăng cao như phường 3, 4, 8 và 9. Qua đó cho thấy hiệu quả công tác của Đội Thanh tra xây dựng không hoàn thành trách nhiệm, chưa kể có dư luận không tốt trong quá trình hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng tại địa phương dẫn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tăng nhưng không được xử lý đúng quy định của pháp luật.
XỬ LÝ VI PHẠM TRÊN GIẤY
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, các yếu tố chủ quan của cán bộ, lãnh đạo Đội Thành tra xây dựng Đà Lạt, UBND các phường để xẩy ra xây dựng trái phép cao biểu hiện sự thiếu cương quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp xây dựng trên đất không phải là đất ở, lấn chiếm hành lang bảo vệ các công trình công cộng, đất công, các trường hợp sai phép vượt tầng, chiều cao thuộc diện buộc phải phá dỡ công trình nhưng không được xử lý kịp thời. Thậm chí một số công trình xây dựng không phép, sai phép có quy mô lớn đến 5 tầng vẫn được hoàn thiện đưa vào sử dụng như trường hợp ở đường Ba tháng Tư, đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn… Số liệu báo cáo số vụ vi phạm giữa ngành chức năng và cơ quan quản lý không trùng khớp, nhiều vụ vi phạm có hồ sơ xử lý nhưng không báo cáo lên cấp trên. Hàng chục vụ vi phạm có hồ sơ xử lý vi phạm tại phường nhưng không có tại Đội Thanh tra xây dựng và ngược lại, hay Phòng Quản lý đô thị có tới 85 vụ có trong hồ sơ xử lý của phường nhưng không có hồ sơ xử lý tại phòng. Điểm qua điều này cho thấy, việc phối hợp giữa Phòng Quản lý đô thị, Đội Thanh tra xây dựng và các phường thiếu chặt chẽ và không đảm bảo các quy định về quản lý trật tự xây dựng do vậy dẫn đến việc hầu hết các công trình xây dựng trái phép chỉ bị lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt, cưỡng chế nhưng chỉ tồn tại trên giấy và không được thực thi trên thực tế. Hệ quả là các trường hợp vi phạm “nhờn thuốc” cố tình vi phạm do luật pháp không được thực thi nghiêm minh dẫn đến tình trạng phức tạp, khó giải quyết.
Phần 4: Bất cập trong quản lý xây dựng đô thị Đà Lạt: cần một giải pháp lâu dài
Theo các quy định hiện hành, để xảy ra tình trạng nêu trên trước hết thuộc về Đội Thanh tra xây dựng, kế đến là UBND các phường, sau đó là Phòng Quản lý đô thị và UBND thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên ngoài các nguyên nhân chủ quan về mặt quản lý, cần có cái nhìn sâu hơn để đánh giá các nguyên nhân khách quan dẫn đến vi phạm, những bất cập tồn tại trong thực tiễn phát triển đô thị. Theo đánh giá của ngành chức năng, công tác triển khai, thực hiện quy hoạch xây dựng còn nhiều cấp cập, không hợp lý. Điển hình đó là tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2.000 còn thấp, mới chiếm gần 61% diện tích đất phi nông nghiệp. Các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng có tỷ lệ 1/500 để triển khai đầu tư xây dựng mới khu nhà ở hoặc chỉnh trang khu dân cư triển khai trên thực tế còn ít, thiếu đồng bộ hay chậm hoàn thành. Đặc biệt, các tiêu chí quản lý quy hoạch xây dựng ban hành cách đây bảy, tám năm có một số điểm chưa phù hợp thực tế về đầu tư xây dựng dẫn tới gây ra một số vướng mắc trong cấp phép xây dựng. Nổi cộm nhất là quy định về kiểu dáng kiến trúc, diện tích xây dựng, diện tích mặt tiền hay số tầng cao tại một số tuyến đường có địa hình phức tạp. Cụ thể, rất nhiều trường hợp người dân được cấp quyền sử dụng đất với diện tích nhỏ, chẳng hạn từ 70 đến 100 m2, trong khi quy hoạch áp vào dạng nhà biệt thự nên không thể cấp phép xây dựng vì thiếu diện tích đất. Điều này cho thấy các quy định quản lý quy hoạch mâu thuẫn với chính sách đất đai. Từ thực tế cũng cho thấy, đa số các trường hợp xây dựng trái phép, không phép tập trung chủ yếu dạng nhà cấp 4, nhà tạm có diện tích phổ biến từ 40 – 100 m2, vì vậy mặc dù biết sai phạm nhưng người dân vẫn tìm mọi cách để xây dựng công trình. Trong khi đó việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp chưa được triển khai hay các khu chung cư để bán hoặc cho thuê chưa đáp ứng so với nhu cầu của người dân có mức thu nhập thấp, trung bình. Đó là chưa kể các trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp do đông con, tách hộ, người dân đã ở đó ổn định từ lâu nhưng không đủ diện tích xin cấp phép vì không đủ diện tích theo quy hoạch dẫn tới gây bức xúc vì quy hoạch này chưa kết hợp hài hòa với yếu tố lịch sử sinh sống của cư dân. Điều đáng nói nữa là những tiêu chí bất hợp lý, không còn phù hợp thực tế phát triển đô thị lẽ ra phải được điều chỉnh nhưng các cơ quan chuyên môn của thành phố không kịp thời sửa đổi nên người dân là người chịu thiệt thòi… Theo ông Hoàng Duy Hưng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho hay, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị mới chỉ là phần ngọn, gốc rễ của vấn đề phải giải quyết đồng bộ về chính sách mà điểm xuất phát bắt đầu từ quy hoạch, quản lý theo quy hoạch và chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp hiện đang chiếm tỷ lệ cao trong thành phố. Đặc biệt công tác quy hoạch phải hướng đến dân sinh, nhà quản lý phải tạo môi trường tốt để phát triển, đồng thời siết chặt kỷ cương trong hoạt động xây dựng.
Hồ Xuân Trung
theo Lâm Đồng Online