Hỗ trợ trực tuyến

Hội KTS:

Cty Kiến Trúc:

Webmaster:

(+84) 63 3 821 379

nguyen_van_tat

KTS. Nguyễn Văn Tất: Văn hóa kiến trúc là không hỗn hào với cộng đồng

Phải khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được KTS. Nguyễn Văn Tất, Chủ tịch HĐQT Công ty TAD, làm khách mời cho cuộc trò chuyện ngày hôm nay. Không hẳn vì ông đang bận rộn với chuyến công tác sắp tới, mà vì: “Tôi không có gì để chia sẻ trong vai trò một doanh nhân, bởi tôi chỉ là người làm nghề kiến trúc. Việc làm Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế TAD là do tôi phải tuân theo quy định của Nhà nước, mà đó cũng là một bất cập cho nghề kiến trúc”.

Ông có thể nói rõ hơn ý này?

- Theo tôi, làm kiến trúc là làm nghệ thuật, nhưng đòi hỏi nhiều yếu tố kỹ thuật đi kèm. Ở các nước, kiến trúc sư (KTS) là người nhạc trưởng, chữ ký của họ hoàn toàn có giá trị pháp lý vì đã đăng ký với thừa phát lại. Vì vậy, họ chỉ tập trung vào công việc chính nên làm rất tốt.

Trong khi đó ở ta, chữ ký của KTS không có giá trị, để trình duyệt một hồ sơ thiết kế, KTS phải làm tất cả các khâu và trình một lúc dưới danh nghĩa công ty.

Thế nên, muốn làm nghề phải mở công ty riêng. Mà đã là công ty thì phải hoạt động theo luật công ty, phải có kế toán trưởng, công đoàn, chính sách xã hội, các chế độ lương thưởng, bảo hiểm..., nghĩa là phải gánh cả một bộ máy trên lưng.

Chính gánh nặng đó làm cho các KTS phải vất vả với chuyện kinh doanh, không còn chuyên tâm, toàn ý với việc chính là thiết kế. Nói như một triết gia người Trung Quốc: “Bất cứ một người làm nghệ thuật nào, nếu cứ canh cánh nỗi lo về tiền bạc, chi tiêu thì rất khó sáng tạo được một tác phẩm nghệ thuật”.

Bản thân tôi, hơn 30 năm làm nghề, nếu xét ở góc độ kinh doanh thì tôi không thành công. Nhiếu người nghĩ tôi có nhiều hợp đồng, nhiều công trình thì tất nhiên là “doanh nhân thành công”.

Nhưng tôi không nghĩ vậy, thành công ấy có chăng là giá trị tư duy mà tôi gửi gắm vào công trình và được cộng đồng công nhận qua một vài lời khen, giải thưởng kiến trúc.

Mà như vậy thì đâu dính dáng gì đến kinh doanh. Thực tế, tôi đã nhận nhiều công trình và bị lỗ chỉ vì theo đuổi ý tưởng sáng tạo, nỗ lực mang lại những công trình có giá trị cho số đông, cho cộng đồng.

Nhưng vì sao “lỗ”, theo tôi, còn có những lý do sâu xa khác... Khách hàng của 50% dự án tôi thực hiện là tư nhân, các công ty liên doanh nước ngoài, họ rất thoải mái, dự án thực hiện cũng đúng tiến độ.

Trong khi đó, 50% dự án làm với các công ty nhà nước, tôi phải chấp nhận những “điều kiện” Nhà nước đưa ra, cũng có nghĩa là giá trị đầu tư của tôi bị giảm, thậm chí lỗ.

Đơn cử, khi tôi xây dựng một khách sạn 5 sao cho một công ty tư nhân, chỉ trong hai năm, cả phần thiết kế, thi công đều hoàn thành. Nhưng những công trình tôi làm với Nhà nước, giá trị đầu tư chỉ bằng 1/3 công trình khách sạn 5 sao nhưng thời gian thực hiện kéo dài 6 - 8 năm, chi phí bị đẩy lên cao, do vậy, bài toán kinh doanh kém hiệu quả là đương nhiên.

* Ông có nói: “Với tôi, cuộc sống thực sự có ý nghĩa khi mình có được một công việc yêu thích để làm mỗi ngày, có những ray rứt và mong ước đem lại những điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng bằng những đóng góp thiết thực”. Vậy, điều làm ông ray rứt nhất là gì, thưa ông?

- Có nhiều điều làm tôi ray rứt, mà điều nào cũng nhất cả (cười). Tỷ như đến bây giờ, ngành kiến trúc vẫn chưa có lối ra thích hợp để giá trị lao động của một KTS có kinh nghiệm được đánh giá cao hơn một KTS còn non tay nghề.

Cụ thể, cùng một công trình, nhưng phí thiết kế được tính giống nhau theo giá quy định chung của Nhà nước, không có hệ số cao hơn dành cho KTS có kinh nghiệm.

KTS. Nguyễn Văn Tất chia sẻ với thế hệ các kiến trúc sư trẻ tại Trại KTS trẻ toàn quốc lần IV năm 2011 - Tại TP Cần Thơ.

Và còn thiếu công bằng hơn khi phí thiết kế tính cho KTS nước ngoài luôn cao hơn KTS trong nước, nhưng lại đòi hỏi chất lượng và giá trị như nhau. Đơn cử, phí thiết kế của KTS trong nước chỉ được tính 1 - 2% trên một đơn giá, trong khi của KTS nước ngoài tới 6 - 7% trên một đơn giá.

Song, điều làm tôi ray rứt nhiều nhất là môi trường hành nghề của giới KTS hiện nay chưa có gam màu tươi tắn, lý do là quy chế hành nghề kiến trúc của Việt Nam đến giờ mới chỉ đi được 1/3 đoạn đường (vì sau mười mấy năm vận động, hiện nay Nhà nước và một số bộ cũng ủng hộ việc xây dựng luật này, nhưng tiến trình thực hiện còn rất nhiêu khê).

Nếu quy chế này không được thực thi sớm, thì mỗi năm thất thoát giá trị đầu tư bằng những công trình không đạt chất lượng lên đến vài chục ngàn tỷ đồng, như báo chí đã từng đề cập.

Bởi đặc tính nghề nghiệp của KTS là một chủ thể cá nhân nên có thể quán xuyến hoặc gây tác hại rất lớn đối với các giá trị đầu tư. Tại sao?

Vì công trình “vẽ ra” là của KTS, nếu không có luật, KTS sẽ làm việc theo thỏa thuận, chiều theo ý khách hàng, tiền xây dựng hàng chục, hàng trăm tỷ đồng là của khách hàng, nếu vẽ ra một thứ linh tinh, không có giá trị về mặt thẩm mỹ, hài hòa chung thì phần lãng phí khách hàng phải chịu, cộng đồng phải gánh, còn KTS chẳng thiệt hại gì.

Vì vậy, ở các nước luôn có cách quản lý đạo đức hành nghề ở những lĩnh vực hành nghề bằng trách nhiệm cá nhân nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cộng đồng như bác sĩ, luật sư, KTS...

Thông thường là sắc lệnh, pháp lệnh hoặc cao nhất là luật. Ở Việt Nam mới chỉ có luật hành nghề luật sư, còn bác sĩ và KTS thì chưa có. Đây là sự chậm trễ của những nhà làm luật.

* Đã có hơn 10 năm làm giảng viên tại Đại học Kiến trúc TP.HCM, vì lý do gì sau khi mở công ty riêng, ông vẫn tiếp tục làm giảng viên thỉnh giảng cho đến tận bây giờ?

- Nghề của tôi như đã nói là phải có đủ nội lực để suy nghĩ độc lập, nhưng vẫn luôn phải làm việc tập thể với cộng sự, và các lớp cộng sự chính là những thế hệ học trò nối tiếp.

Cho nên việc truyền đạt kinh nghiệm, giảng dạy không phải là sự ban phát, mà là một công việc nghiêm túc, làm hết tâm và trách nhiệm.

Song, cao đạo hơn một chút, nhưng không phải chỉ cá nhân tôi, mà nhiều KTS thành đạt cũng thế, đó là chúng tôi tự đặt cho mình trách nhiệm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các lớp trẻ nối tiếp.

Bởi bản thân chúng tôi đã phải mò mẫm, trải nghiệm nhiều và hiểu rằng, con đường làm nghề kiến trúc đòi hỏi quá nhiều thứ và phải rất khó khăn để giúp lớp trẻ tránh được những rủi ro, vấp váp trong nghề nghiệp.

* Bất cập trong đào tạo là câu chuyện dài không có hồi kết, riêng đào tạo trong lĩnh vực kiến trúc, theo ông, có điều gì bất cập?

Trong đào tạo có hai phần: lý thuyết và làm nghề, làm nghề ở đây phải hiểu theo nghĩa hiệu quả, nghĩa là tạo được những công trình tốt, có giá trị. Để làm được vế thứ hai cần phải có những người thầy thực sự đã trải nghiệm, có vốn liếng kiến thức, trong đó cái khó nhất là truyền được lửa, niềm đam mê nghề nghiệp cho những thế hệ trẻ.

Nhiều năm qua, tôi vẫn nhận những KTS trẻ chưa có tuổi nghề vào công ty và bỏ công sức, chi phí để đào tạo. Tôi nghĩ không nên để lớp KTS trẻ phải chịu thiệt thòi, phải ra trường với hành trang chỉ toàn lý thuyết, xa rời thực tế. Bởi thế hệ của tôi khi ra trường đã phải rất khó khăn mới xin được vào làm ở một công ty chuyên nghiệp để học nghề.

Theo tôi, một bất cập là quy chế về đào tạo hiện thời vẫn chưa phát huy hết quyền và công sức đóng góp của không ít KTS thành đạt và có kinh nghiệm. Trong đội ngũ giảng viên hiện nay có khá nhiều sinh viên tốt nghiệp điểm cao, được giữ lại trường giảng dạy nhưng không đủ kinh nghiệm để làm vế thứ hai.

Hơn nữa, kiến trúc là công việc tạo phần hồn cho những sản phẩm xây dựng, nếu KTS không có những hiểu biết tinh tế, không có kinh nghiệm thì không thể tạo ra những tác phẩm kiến trúc đẹp, có giá trị.

Đó cũng là lý do hơn 10 năm giảng dạy, nhưng thấy không có điều kiện trau dồi nghề nghiệp, trải nghiệm thực tế nên tôi quyết định rời trường, chỉ làm giảng viên thỉnh giảng.

* Ông vừa nói cái khó nhất trong đào tạo là truyền lửa, niềm đam mê nghề nghiệp cho thế hệ KTS trẻ, điều này có thừa không vì tôi nghĩ phải yêu thích, đam mê thì họ mới chọn nghề kiến trúc?

- Tôi quan niệm, để làm KTS, anh không thể chờ đợi những điều lý tưởng nhất để có tác phẩm lý tưởng, mà nghĩa vụ và sứ mạng của KTS là trong cái đa dạng của hiện trạng sống phải tìm được một tổ hợp dung chứa được các yếu tố lý tưởng đó, phải định dạng giá trị phi vật thể trong một công trình xây dựng cụ thể, trong đó tính nhân văn vẫn là linh hồn của công trình.

Và cùng một tình huống sẽ có hàng trăm cách ứng xử tùy theo mỗi người. Vì thế, trách nhiệm của người thầy là phải truyền đủ lửa cho thế hệ KTS trẻ để họ thật sự yêu và chịu cực với nghề, phải truyền được văn hóa ứng xử trong thiết kế để họ nghiệm ra các giải pháp tốt nhất trong từng điều kiện riêng.

Văn hóa ứng xử là không hỗn hào với các công trình xung quanh, một công trình xấu sẽ gây phản cảm không chỉ cho chủ nhân, mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Và điều đó, chỉ một cá nhân, một quan điểm, một cách thức riêng không làm được, nó đòi hỏi sự đồng bộ về hệ thống mà trước tiên là môi trường làm nghề của giới KTS.

* Ông từng nói: “Bất kỳ việc gì liên quan đến những giá trị xã hội đều đòi hỏi sự chín muồi” nhưng xem ra ông lại có vẻ “sốt ruột” về môi trường làm nghề hiện mới chỉ đi được một lộ trình ngắn?

- Khi mình luôn dằn vặt để tìm cái hay ho, lợi ích cho điều gì đó nhưng tiến trình thực hiện lại quá chậm và luôn gặp bất trắc thay vì lẽ ra phải có rồi thì buồn và sốt ruột cũng là tâm lý chung của những người “có chút lòng” với nghề.

Đối với tôi, luật hành nghề kiến trúc ra đời là một cú hích rất quan trọng, rất hiệu quả để nó cuốn đi hàng loạt vấn đề tiêu cực khác mà mình đã ca cẩm, than phiền quá nhiều rồi.

* Là Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ông có nhận xét gì về kiến trúc của thành phố hiện nay?

- Có bao giờ bạn đi chợ chồm hổm chưa? Ở đó có tất cả gam màu của cuộc sống: có người quần ống thấp ống cao, có người quần là áo lượt, có người chen chúc ngồi xụp dưới đất, có người ngồi trên sạp thênh thang, có tiếng rao, có lời nói ngọt ngào và có cả những lời thô tục...

Nếu ở trong một trang viết văn học hay một bức tranh, thì cả cái chợ đó rất đẹp khi nó diễn ra một cách tự nhiên và thỏa mãn nhu cầu của những người tham gia phiên chợ, thậm chí nó còn là một sản phẩm du lịch để du khách chĩa ống kính vào lưu giữ những hình ảnh thú vị.

Dẫn điều này để nói rằng, chợ chồm hổm là chợ tự phát nên tất nhiên phải có mặt dở, còn mặt hay là hợp quy luật. Từng công trình đem ra phê phán chỉ là một mặt của vấn đề, sự tồn tại một cách hợp lý của ngôi chợ mới chính là giá trị đích thực của nó.

Nói vậy không có nghĩa là tôi biện minh cho những công trình chưa đẹp, thậm chí có cái xấu tệ, nhưng trước khi chưa có những động thái đủ để làm nên giá trị tổng thể cho hàng ngàn công trình cũ, mới và sắp ra đời thì KTS phải nương theo đó để khắc phục cái dở và phát triển cái hay. Còn đối đầu, phá bỏ nó để cố tình tạo ra những tổ hợp hoặc công trình kiến trúc không hợp quy luật thì thất bại sẽ được báo trước.

* Nói vậy liệu có mâu thuẫn với yếu tố nghệ thuật và tính thẩm mỹ trong kiến trúc không, thưa ông?

- Việc tôn trọng quy luật và chiều theo thị hiếu đám đông không phải lúc nào cũng là một, cũng như văn hóa là cái được chắt lọc từ trong cộng đồng, có xấu, có tốt, thậm chí cũng cần có thời gian để hoàn thiện như một hành vi.

Tuy nhiên, khi đánh giá hành vi văn hóa, người ta cũng phải có sự mẫn cảm, chắt lọc, mà sự chắt lọc đó là của nhiều người. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên khi KTS người Pháp Corbusier đưa ra ý tưởng nhiều căn hộ sống chung trong một căn nhà (mô hình chung cư), nhiều người nói ông bị “mây mây” (điên điên), nhưng lúc đó ông Corbusier hình dung theo quy luật sắp tới mọi người sẽ phải sống như thế.

Điều đó chứng tỏ, việc tôn trọng quy luật của ông Corbusier là hướng về tương lai, chứ không phải chạy theo thị hiếu để tù hãm tính nghệ thuật sáng tạo trong thị hiếu đó. Ngược lại, từ thị hiếu, KTS cũng phải rút ra những quy luật để đi xa hơn.

* Là một trong ba thành viên sáng lập Công ty AA, có tiếng tăm, uy tín, thu nhập của ông đang là mơ ước của nhiều người, và AA cũng đang trong thời điểm “ăn nên làm ra”, vậy tại sao ông lại chấp nhận chọn đi con đường hẹp bằng việc lập công ty chuyên về tư vấn thiết kế?

- Quả thật, con đường tôi chọn đi là con đường hẹp và không bằng phẳng, nhưng sở dĩ tôi vẫn chọn hướng đi này và tự hào TAD là một trong những công ty tư nhân đầu tiên làm tư vấn thiết kế chuyên nghiệp. Do thời gian làm việc ở AA, tôi thấy mình thiếu minh bạch với khách hàng khi vừa là người thiết kế, vừa là người thi công.

Vì vậy, trong dự thảo cương lĩnh hành nghề kiến trúc, tôi đề xuất nên đưa vào các quy định như: Ai đã làm công ty thiết kế tư vấn thì không được hùn hạp thi công, không đại diện cung cấp các thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng cho bất cứ hãng nào, không làm viên chức nhà nước có liên quan đến lĩnh vực kiến trúc...

* Nhưng bù lại, công việc tư vấn thiết kế cũng đơn giản và nhẹ nhàng hơn?

- Cũng không phải vậy. Bởi thông thường các nhà đầu tư luôn bị áp lực về chi phí, nhưng mỗi lần tư vấn tôi lại cố thuyết phục họ đầu tư vào giá trị, đồng nghĩa với việc tăng thêm chút tiền, trong khi nhiều người khác lại liên tục bớt giá, giảm đi những yếu tố giá trị.

Trong tình huống này, tôi phải tìm mọi lý lẽ thuyết phục, đưa ra lời giải, so sánh về lợi ích riêng và chung cho khách hàng. Song, cũng không ít lần thuyết phục bất thành, và tôi đã từ chối thiết kế khi xét thấy công trình theo ý nhà đầu tư không tạo nên sự hài hòa và mang lại giá trị cho cư dân cũng như những công trình xung quanh.

* Nhiều người thắc mắc sao lâu nay ít thấy ông viết báo, và họ đặt câu hỏi: “Vì ông quá bận hay đã “chán” viết rồi?”

- Khi ý thức được tính hiệu quả trong công việc mình làm thì nên chọn loại việc và cách làm nào mang lại hiệu quả thực tế, thiết thực hơn. Ví dụ, khi tôi viết về một vấn đề được nhiều người đồng tình, tôi cảm thấy hào hứng như một kẻ sĩ.

Nhưng sự đồng tình đó chỉ dừng lại ở sự thỏa mãn một ức chế nào đó, còn về mặt công việc lại không có sự thay đổi tích cực nào và cũng không mấy người mặn mà thực hiện, chưa kể đôi khi nó lại có tác động tiêu cực, làm cho sự việc đang buồn lại càng căng thẳng hơn, không có lối ra thì tốt nhất là không viết nữa.

* Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, ông có thể chia sẻ niềm vui lớn nhất của mình trong suốt hơn 30 năm đứng trên bục giảng?

* Điều tôi vui nhất là học trò của tôi hiểu rằng tôi đã và đang làm nghề một cách rất say mê, cố gắng hết sức để hành nghề nghiêm túc và luôn nghĩ đến trách nhiệm của mình trong việc tạo ra môi trường hành nghề để các KTS trẻ làm việc hiệu quả hơn. Bởi sẽ rất đáng buồn nếu như các em phải mất một thời gian dài xoay xở như chúng tôi ngày xưa, đó là thiệt thòi không chỉ cho các em mà còn cho xã hội.

* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thẳng thắn này!

Theo kienviet.net


Quay lại